Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với mức thiệt hại ước tính khoảng 523 tỷ USD, tương đương 14.5% GDP đến năm 2050. Vì vậy, xây dựng nền tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, đồng thời mở ra những cơ hội mới và nhiều lợi ích cho chính các doanh nghiệp. 

ESG đang nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức tài chính. Kết quả khảo sát cho thấy 88% số người được phỏng vấn trong ngành Dịch vụ tài chính đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các cam kết ESG. Trong số đó, gần 89% cho rằng Nâng cao hình ảnh và uy tín thương hiệu là yếu tố hàng đầu thúc đẩy họ xem xét các cam kết ESG và 71% cho rằng Năng lực cạnh tranh là yếu tố thứ hai. 

Đối với các tổ chức không có kế hoạch thực hiện các cam kết ESG trong 2-4 năm tới, hơn hai phần ba cho biết họ sẽ có động lực xem xét lại đề xuất này vì lý do Thương hiệu hoặc Áp lực từ chính phủ. Điều này cho thấy dấu hiệu rằng một khi các nguyên tắc/giải pháp ESG được triển khai, hầu hết các tổ chức tài chính sẽ bắt đầu hành trình ESG. 

Các tổ chức tài chính ưu tiên khía cạnh Quản trị hơn so với Xã hội và Môi trường

ESG thường đề cập đến các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên. Trên thực tế, kết quả khảo sát ngành Dịch vụ Tài chính tại Việt Nam cho thấy phần lớn (67%) số người được phỏng vấn trong ngành Dịch vụ Tài chính xếp hạng yếu tố quản trị là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là yếu tố xã hội (67%) ưu tiên thứ hai và yếu tố Môi trường (55%) là ưu tiên thứ ba. 

Đây có thể là do tính chất chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ của ngành ngân hàng, cùng với những thách thức nhất định mà ngành Dịch vụ Tài chính phải đối mặt gần đây, một phần do thiếu các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp. Phát hiện này tương tự với kết quả từ báo cáo Tài chính công bằng tại Việt Nam trong đó nghiên cứu các cam kết thực hành ESG của 10 ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong cả hai báo cáo, yếu tố ‘E’ (môi trường) đều xếp dưới quản trị và xã hội. Việc tập trung vào quản trị rất có thể bắt nguồn từ niềm tin của các doanh nghiệp rằng quản trị tốt hơn sẽ cho phép ra quyết định hiệu quả hơn ở cả khía cạnh môi trường và xã hội.  

 

Theo báo cáo: Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam: Từ Tầm nhìn đến hành động (PWC)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *