ESG là viết tắt của Environmental, Social và Governance. Đây được coi là một khung công cụ để đánh giá sự bền vững và tác động đạo đức của một công ty hoặc doanh nghiệp. Yếu tố môi trường xem xét tác động của công ty tới tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Yếu tố xã hội đánh giá chính sách của công ty với nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp cũng như tác động tới cộng đồng. Yếu tố quản trị đánh giá lãnh đạo, các phương pháp quản lý tài chính và tính minh bạch trong báo cáo thông tin. Các yếu tố này có liên quan chặt chẽ tới sự bền vững và hiệu suất dài hạn của một công ty. 

Đối với ngành công nghiệp mỹ phẩm, việc tuân thủ và ưu tiên ESG sẽ tạo lợi thế về mức độ trung thành của khách hàng, cải thiện hiệu suất tài chính, thu hút và giữ chân nhân viên, giảm thiểu rủi ro trong tương lai và nâng cao uy tín thương hiệu. Một số doanh nghiệp như L’Oreal, Estee Lauder và P&G Beauty thu hút đầu tư nhờ chiến lược tập trung mạnh mẽ vào ESG và tích hợp giá trị bền vững vào trong hoạt động của họ. 

Môi trường

Đảm bảo không sử dụng các chất liệu và vật liệu gây hại cho môi trường, không thử nghiệm sản phẩm trên động vật, đảm bảo hoạt động được thực hiện bởi năng lượng tái tạo, giảm chất thải phát sinh, sử dụng bao bì thân thiện môi trường và tiết kiệm tài nguyên (giảm sử dụng năng lượng và nước). Một số thương hiệu có các sáng kiến tích cực về môi trường như: 

  • L’Oreal đã cam kết giảm lượng khí thải nhà kính từ quá trình vận chuyển sản phẩm vào năm 2030 giảm còn 50% so với mức năm 2016
  • The Body Shop đã triển khai chương trình “Cầu nối sinh học” để triển khai các chiến dịch phục hồi và bảo vệ rừng ở các khu vực chính trên toàn cầu. 
  • Aveda sử dụng 100% nhựa tái chế sau sử dụng cho bao bì sản phẩm của họ

Xã hội

Thể hiện tính bao hàm và đa dạng trong đội ngũ quản lý và nhân viên, thiết lập biện pháp an toàn trong quá trình sản xuất để bảo vệ người lao động, áp dụng các quy tắc công bằng trong chuỗi giá trị như đảm bảo không sử dụng lao động chưa đủ tuổi, tương tác tích cực với cộng đồng trong khu vực sản xuất mỹ phẩm. Một số ví dụ bao gồm: 

  • Estee Lauder có chương trình đa dạng và bao hàm, nhằm mục tiêu tăng cường đại diện cho các nhóm thiểu số trong các vị trí lãnh đạo
  • Unilever thực hiện chính sách khuyến khích đa dạng giới tính trong hội đồng quản trị và ở các vị trí cấp cao
  • Chương trình “Charity Pot” của Lush quyên góp một phần doanh thu cho các tổ chức làm việc về các vấn đề như quyền động vật, quyền con người và bảo vệ môi trường

Quản trị

Không có sự phân biệt trong ban điều hành và lãnh đạo, áp dụng các quy tắc đạo đức trong quản lý công ty, tích hợp quy trình quản lý rủi ro, đảm bảo tính minh bạch bên trong công ty và tuân thủ tất cả các quy định và theo dõi chúng một cách hiệu quả. 

  • Estee Lauder và L’Oreal có quy tắc ứng xử và quyền đạo đức, cung cấp, hướng dẫn và tạo chuẩn mực cho nhân viên và đối tác kinh doanh của họ 
  • Kylie Cosmetics, Ulta Beauty, Huda Beauty có thành phần hội đồng quản trị với sự đa dạng lớn và cơ sở nhân viên đa dạng. 

Đầu tư ESG ngày càng phổ biến giữa các nhà đầu tư muốn điều chỉnh khoản đầu tư của mình theo giá trị và nguyên tắc bền vững. Ước tính có trên 1,3 nghìn tỷ Đô được quản lý trong các quỹ ESG. Các quỹ đầu tư ESG sẽ đầu tư vào các công ty dẫn đầu về bền vững và trách nhiệm xã hội, đồng thời loại trừ các công ty hoạt động gây tranh cãi, từ đó thảm thiểu rủi ro đầu tư và góp phần xây dựng tương lai bền vững hơn. 

Thực tế quyết định áp dụng các yếu tố ESG phụ thuộc vào giá trị, chiến lược và mục tiêu của công ty. Tuy nhiên, việc triển khai các chiến lược ESG sẽ giúp công ty dự báo và đối phó với những rủi ro xã hội và môi trường, các thách thức về quy trình và danh tiếng trong thời đại kinh tế số. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *