Theo Khảo sát người tiêu dùng năm 2024 của PwC, bất chấp lạm phát ngày càng tăng và áp lực chi phí sinh hoạt, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả một khoản tiền cao hơn cho sự bền vững. Cuộc khảo sát đã thăm dò ý kiến của hơn 20.000 người tiêu dùng trên 31 quốc gia, cho thấy những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh những thách thức kinh tế và mối lo ngại về khí hậu.
85% người tiêu dùng cho biết họ phải chịu tác động của biến đổi khí hậu hàng ngày, điều đó đã thúc đẩy họ chuyển đổi sang các lựa chọn bền vững hơn. Khảo sát cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm 9,7% cho các sản phẩm được sản xuất hoặc có nguồn gốc bền vững.
Sabine Durand-Hayes, Lãnh đạo Thị trường Tiêu dùng Toàn cầu tại PwC Pháp , nhấn mạnh xu hướng này: “Người tiêu dùng ngày càng cảm nhận được sức ép của lạm phát và giá cả tăng cao ở các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa, tuy nhiên, trong bối cảnh đó, họ đang ưu tiên những sản phẩm được sản xuất và có nguồn gốc bền vững. Ngay cả khi người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn, họ vẫn sẵn sàng trả thêm 9,7% cho lựa chọn bền vững. Trong năm tới, các công ty phải đạt được sự cân bằng giữa khả năng chi trả của người tiêu dùng và tác động đến môi trường nếu họ muốn tìm và giữ chân người tiêu dùng. Họ cũng sẽ cần tăng cường tương tác kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ đa kênh, đặc biệt khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm trực tiếp thông qua mạng xã hội”.
Xu hướng tiêu dùng:
Người tiêu dùng đang áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để thể hiện quan điểm về bền vững, chẳng hạn như:
- Cân nhắc kỹ càng hơn khi mua hàng (43%)
- Xây dựng kế hoạch tiêu thụ thực phẩm đa dạng hơn (32%)
- Giảm tải việc đi lại và lựa chọn du lịch “xanh” (31%)
- Xem xét sử dụng xe điện (24%)
Hơn 80% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa được sản xuất bền vững, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc địa phương, được làm từ vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường và có lượng khí thải carbon thấp hơn.
Truyền thông xã hội và xu hướng kỹ thuật số:
Bối cảnh kỹ thuật số tiếp tục định hình lại thói quen của người tiêu dùng. Cuộc khảo sát chỉ ra rằng 46% người tiêu dùng hiện mua sản phẩm trực tiếp thông qua nền tảng mạng xã hội, tăng đáng kể so với mức 21% vào năm 2019. Mạng xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khám phá và kết nối thương hiệu, với 67% người tiêu dùng sử dụng nó để tìm thương hiệu mới và 70% dựa vào đánh giá online trước khi quyết định mua hàng.
Tuy nhiên, bảo vệ dữ liệu vẫn là một mối quan tâm đáng kể, với 83% số người được hỏi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo mật dữ liệu cá nhân. Mặc dù vậy, chỉ có 52% cảm thấy an tâm về cách các công ty xử lý dữ liệu của họ.
Khi người tiêu dùng đối mặt với những bất ổn kinh tế, cam kết của họ về tính bền vững và tương tác kỹ thuật số mang lại cả thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp. Sự cân bằng giữa khả năng chi trả và trách nhiệm với môi trường sẽ là chìa khóa để duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng trong những năm tới.