Ngành dệt may đang đối diện với nhiều yêu cầu khắt khe về việc xanh hóa chuỗi sản xuất. Không có các chiến lược “xanh” khiến các doanh nghiệp đánh mất nhiều cơ hội về tay các đối thủ nước ngoài.
Năm 2023 với nhiều yếu tố bất lợi bủa vây ngành dệt may khi sức mua của nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, EU, châu Âu… sụt giảm do bối cảnh suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang…
Tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 5 thánh đầu năm chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các doanh nghiệp may mặc tại Bangladesh, Ấn Độ lại ghi nhận sự phát triển bùng nổ. Lợi thế cạnh tranh của họ chính là việc nhanh chóng xanh hóa.
Năm 2023, Bangladesh có tới gần 90% nhà máy đạt chuẩn LEED (Tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ) và 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này. Tuy nhiên tại Việt Nam, chỉ khoảng dưới 10% các nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED (Theo Vinatex).
Xanh hóa cũng tạo nên sự ưu tiên trên bàn đàm phán, các nhà mua hàng sẽ đặt sự ưu tiên cho những nhà sản xuất đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn xanh. Dù chưa có một quy định pháp lý cụ thể về tiêu chí xanh trong các sản phẩm dệt may, nhưng nó đã trở thành xu thế mà cả người mua hàng và nhà sản xuất đều cần đáp ứng.
Vì vậy, theo Chủ tịch Vinatex, cần lộ trình 5-10 năm để dịch chuyển ngành dệt may Việt Nam. Những bài toán này không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết được, mà cần cả cơ quan quản lý nhà nước tham gia.
“Khi doanh nghiệp sản xuất xanh, sử dụng tái chế thì sẽ tiết kiệm rất nhiều nguồn lực xử lý, chôn lấp rác thải. Trước nay chi phí này được khu vực công thực hiện, bằng cách thu tiền thuế của dân để xử lý rác thải. Nay nếu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi thì cần cơ chế chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn để thúc đẩy chuyển đổi xanh”, Chủ tịch Vinatex nhấn mạnh.